Thành Phố Không Mặt Người
Phan_5
Nhưng chủ nhân thực sự của chiếc xi-líp này là ai? Một phụ nữ trung niên, một bà mẹ 2 con, 3 con, một cô gái mới lớn, một sinh viên, hay một nữ nhân viên văn phòng? Và nó đã rơi xuống ban công nhà tôi từ tầng nào? Tầng 10, tầng 11 hay tầng 12, hay một tầng nào khác.
Chung cư tôi ở là một 1 dãy 6 lô hiện đại. Dân cư đa phần trẻ, được cho là những người có thu nhập khá, đời sống ổn định. Lô nhà tôi 16 tầng, có 2 hướng mặt tiền với nhiều căn góc. Mỗi tầng lại có 8 căn. Tôi chắc chắn chủ nhân của chiếc xi-lip chỉ có thể là một người láng giềng trong tòa nhà. Nhưng không ai giúp tôi đảm bảo điều đó.
Tôi 29 tuổi, dọn đến đây sau hơn chục năm lăn lóc đủ các kiểu nhà trọ kể từ khi bắt đầu vào Đại học. Hiện tôi đang làm quản lý một nhóm thiết kế tại một văn phòng. Công việc không vất vả. Trừ những khi phải ra ngoài gặp khách hàng hoặc đến công trường, tôi thường ngồi một chỗ, hoặc loanh quanh trao đổi một vài thứ chuyên môn với đồng nghiệp. Buổi sáng, tôi đến văn phòng sớm. Và thường về nhà vào lúc xẩm tối, khi đèn tại những dãy hàng lang, lối vào, cầu thang cuốn, thang bộ và cái siêu thị nhỏ tầng dưới cùng đã mở sáng choang. Đôi khi, tôi ghé vào đó mua một vài thứ đồ cá nhân, giấy toa-lét, bột giặt hoặc kem đánh răng, mì gói, mấy chai nước suối, và một vài món đồ ăn nhanh nào đó… Tôi đã chán la cà nhậu nhẹt, gặp gỡ người nọ người kia sau mỗi chiều tan sở như hơn 1 năm trước đây. Tôi thu mình gọn ghẽ hơn, không lý do. Những mối quan hệ cũ của tôi, chúng đã rơi rụng dần đâu đó, hoặc họ quên tôi hoặc tôi quên họ. Những mối quan hệ mới thường nhanh chóng làm tôi chán nản.
Và tôi nhận ra mình chẳng quen ai trong tòa nhà, trừ vợ chồng người hàng xóm kế bên, cũng đóng cửa suốt ngày, họa hoằn lắm chúng tôi mới gặp nhau, và chỉ cười chào nhau một cái rồi đi. Tôi thậm chí còn không thể tả lại gương mặt họ lúc này. Hơn 1 năm kể từ khi dọn đến đây, tôi chưa hề bắt chuyện, hỏi thăm hay làm quen với ai trong tòa nhà. Những láng giềng của tôi cũng vậy. Họ chưa từng hỏi thăm tôi. Ngoại trừ đôi lần tôi cười chào một vài người, hoặc một vài người nhận ra sự quen mặt của tôi, lẳng lặng cười chào, khi cùng đứng trong thang máy. Số đông còn lại nhìn tôi như một người lạ. Tôi cũng nhìn họ như vậy. Một đôi lần tôi đã tính bẹo má hay trêu chọc một đứa bé bụ bẫm trong thang, nhưng rồi lại ngại ngần vì sự lạnh lùng của những người lớn đi cùng.
Tôi ko có bất kỳ một khả năng nào để phỏng đoán chủ nhân của chiếc xì – líp, ngoài những phán đoán hết sức chủ quan và cảm tính.
Tôi ra hành lang, ngó lên tầng trên, ngó xuống tầng dưới, rồi ngó sang hành lang nhà hàng xóm bên phải. Tôi dự đoán hướng gió trong ngày. Gió đã bay theo hướng nào để mang chiếc xì – lip đến đây?
Tôi đặt chiếc xi líp lên sopha. Buổi tối online trong phòng ngủ, nhìn ra phòng ngoài. Dưới ánh đèn vàng, tôi thấy nó sáng lên rực rỡ trên nền ghế nâu xám. Đôi khi, tôi có cảm giác như thấy một cô gái xinh đẹp đang ngồi trong nhà mình, vừa ấm áp nhưng lại vừa lạ xa vô cùng...
***
Sáng hôm sau, tôi mang nó trả về chỗ cũ, trên chậu hoa trạng nguyên.
Tôi nghĩ, chủ nhân của nó ở một trong những căn hộ liền kề, khi ra lấy quần áo, sẽ nhận ra mình thiếu một thứ đồ, và hẳn là sẽ đi tìm. Sự mất mát cũng sẽ dễ được phát hiện, nhất là với một chiếc xi lip có màu đỏ. Và rất có thể họ sẽ ngó xuống ban công nhà tôi và thấy nó.
Nhưng bà ấy, cô ấy, chị ấy hay thậm chí là em ấy có đi tìm không? Và nếu họ có nhận ra chiếc xì líp đang mắc kẹt ở hành lang nhà tôi. Họ có tìm cách lấy lại hoặc xin lại?
Tôi chợt nhận ra, chẳng ai, dù vô duyên hay duyên dáng đến mấy, lại đi gõ cửa một nhà hàng xóm, để hỏi xem có ai đã thấy hoặc đã giữ chiếc xì líp của tôi, và đề nghị hãy cho tôi xin lại… Phụ nữ kín đáo có khi được hỏi còn ngại ngùng chối bỏ, ko dám nhận là của mình, cho dù là của chính mình thật.
Hoặc cũng có thể bà ấy, cô ấy, chị ấy hoặc em ấy đã không nhận ra mình đã mất đi một món đồ. Nhất là khi phụ nữ, trong xu hướng ngày càng mua sắm ình nhiều hơn những thứ đồ cá nhân, và 10 cô thì có đến 8 cô mê đồ lót. Họ, đôi khi mua đồ lót đẹp chỉ để làm thỏa mãn chính mình. Tôi đọc báo, và thấy trên mạng đưa tin về những cô gái trẻ trung, hiện đại có cả một tủ đồ lót hàng hiệu. Đồ lót như là một trong nhiều thứ tối quan trọng của cuộc đời họ, kể từ khi là một cô gái mới lớn cho đến khi trưởng thành và già đi thành những bà lão. Và với những phụ nữ như vậy, cũng có thể vì sở hữu quá nhiều, mà họ không hề nhận ra một chiếc xì líp đã vỗ cánh bay đi khỏi bộ sưu tập lúc nào.
Ngay như tôi, dù ko sở hữu nhiều, cũng chưa bao giờ thống kê và biết chính xác mình có bao nhiêu chiếc quần sịp, quần đùi. Hàng ngày, tôi sẽ lấy ra một chiếc bất kỳ từ ngăn tủ, xỏ hai chân vào nó sau khi tắm táp. Rồi hôm sau, tôi thay ra và ném nó vào máy giặt., cùng với nhiều thứ áo quần khác. Và một chiếc khác lại được mang ra...
Tôi không hề mảy may suy nghĩ, về sự gắn bó của những thứ đồ lót trên thân thể chính mình, về những điều vẫn làm hàng ngày theo thói quen...
Có những thứ đã mất, đã quên ở đâu đó, chắc gì tôi đã nhớ…
***
Và tôi vẫn tiếp tục nghĩ về chiếc xi líp màu đỏ khi đã đến sở làm…
Tại sao chỉ một chiếc xi líp đỏ, lại ám ảnh tôi hơn cả một cô gái bằng xương bằng thịt?
Tôi chỉ có 2 phương án, hoặc là tìm cách trả về cho chủ của nó, hoặc lẳng lặng cho vào thùng rác, vứt đi…
***
Tôi bắt đầu để ý tới những căn hộ xung quanh, và quyết định tìm cách trả chiếc xì líp về cho chủ nhân của nó.
Nhưng làm cách nào để một chàng trai như tôi, đưa trả lại chiếc xì líp một cách hợp lý nhất cho người láng giềng?
Tôi đi làm về sớm, leo thang bộ lên tất cả các tầng lầu phía trên căn hộ của tôi rồi đi xuống cả tầng kế phía dưới.
Tôi sẽ bí mật theo dõi một vài căn hộ nghi vấn. Và dự định tập trung chú ý vào những căn hộ có bóng dáng phụ nữ trẻ. Nếu phát hiện đúng “mục tiêu”, lựa thời cơ phù hợp, tôi sẽ tìm cách nhét chiếc xi – líp vào cửa, và lẳng lặng đi ra.
Tôi cũng sẽ sử dụng một vài cách để nắm được thông tin cụ thể về chủ nhân của mỗi ô cửa giống nhau và đánh những con số khác nhau này.
Nhưng căn hộ ngay phía trên đầu tôi là của vợ chồng một ông cụ bà về hưu. Đây là hai trong số những người già hiếm hoi ở chung cư này. Họ sống lặng lẽ, đơn giản, cần mẫn đi bộ thể dục, đi chợ, đi siêu thị, nấu ăn, trò chuyện với nhau, và đôi khi đón các cháu nhỏ ghé thăm vào cuối tuần.
Cạnh đó là sở hữu của một người trẻ, cũng độc thân. Anh ta làm kỹ sư dầu khí ở Vũng Tàu, mua căn hộ như là một thứ để dành, thỉnh thoảng mới lui về thành phố.
Căn hộ phía trên nữa là của một nhóm sinh viên ngoại tỉnh, đã ra trường và đi làm mấy năm, thuê chung ở đây. Căn hộ toàn con trai, bừa bộn và huyên náo bởi những nhạc nhẽo, bóng đá và chuyện phiếm. Họ đi vắng cả ngày, ồn ào trong khoảng chiều tối tắm giặt, rồi có khi buổi tối lại đi chơi, đi hò hẹn, hoặc làm gì đó bên ngoài. Có khi, tôi thấy họ làm huyên náo cả tầng hầm gửi xe máy.
Căn tầng trên nữa đóng cửa im ỉm…
Căn trên nữa của một bà mẹ tứ tuần và một anh con trai, nhưng anh con trai đang du học ở Nhật. Cả năm mới về 1 – 2 lần… Phía bên trái là một căn hộ, bên trong chỉ là phần xây thô và chưa có ai từng dọn đến.
Cạnh đó, phía bên phải là một đôi vợ chồng trẻ mới cưới. Nhưng căn hộ này chỉ có 1 ban công, và ban công cũng như cửa sổ đều không mở sang hướng nhà tôi… Nó cách khá xa theo phương ngang. Tương tự vậy là một gia đình nhỏ có bố mẹ trẻ, hai cậu bé con cùng một chị giúp việc, cũng là hướng cửa ra phía đường lớn. Theo tính toán của tôi, chiếc xi líp không thể đi ra từ hướng này rồi bay một đường bay xiên đến gần 180 độ để có mặt ở ban công nhà tôi.
Và nhiều căn hộ khác đã bị loại tôi khỏi mục tiêu!
Tôi tập trung sự chú ý vào căn hộ đóng cửa. Căn hộ có khóa, nhưng không khóa kiểu im ỉm đóng lâu ngày. Cửa thiết kế chắc chắn, an toàn, chứng tỏ chủ nhân là người cẩn trọng. Từ ổ khóa nhỏ bên ngoài, đến nghe ngóng phía bên trong, tôi vẫn thấy toát ra dấu hiệu của sinh hoạt hàng ngày. Đôi khi lọt ra một vài âm thanh, như là tiếng nhạc dìu dịu. Tôi nghĩ, trong căn hộ đó có ít nhất một phụ nữ trẻ đang sống.
Buổi chiều hôm sau, tôi quyết định hành động.
Tôi vo tròn cái xì líp đỏ, đút vào túi quần, thản nhiên như đi chơi, tôi tiếp tục đi lối cầu thang bộ để lên tầng 12.
Tôi đến trước cửa căn phòng, lẳng lặng treo chiếc xi líp vào tay nắm cửa, rồi lẳng lặng đi xuống lầu.
Không ai biết việc tôi vừa làm cho đến khi cánh cửa ra cầu thang khép lại.
Tôi về nhà, hối hận vì sự cẩu thả. Lẽ ra, tôi nên đóng gói chiếc xi-lip, hoặc cho vào túi, đặt ngay trước cửa, hoặc gửi cho họ đến địa chỉ căn hộ qua đường bưu điện. Đấy là lựa chọn lịch thiệp nhất.
Nhưng rồi tôi lại thấy không ổn. Nếu chủ nhân đang sinh sống cùng người yêu, hoặc chồng. Anh ta sẽ nghĩ sao nếu vợ / người tình của mình nhận được bưu phẩm là một chiếc xì líp cũ của chính cô ấy. Tôi đã hình dung ra một cuộc ghen tuông, cãi vã, thậm chí là đánh lộn có thể xảy ra.
Nhưng thôi, dù sao tôi cũng đã làm xong nhiệm vụ. Và tôi tạm quên đi cái xi líp đỏ trong 2 ngày.
Nhưng đến ngày thứ ba, lúc mở cửa ra hành lang, nhìn thấy chậu hoa trạng nguyên, tôi lại nhớ đến nó.
Có thể chủ nhân của nó đã mở cửa, đã thấy, và đã mang lại nó vào phòng.
Nhưng lòng tôi lại dấy lên một hồ nghi…
Tôi cần phải chắc chắn việc này.
Và thế là trước bữa tối, tôi lại lẳng lặng leo 3 tầng lầu, rẽ sang phải, hướng căn phòng có đánh số A12-4.
Tôi ngạc nhiên hay không ngạc nhiên, khi chiếc xi líp vẫn còn đó. Cửa vẫn đóng. Cũng không ai phát hiện ra nó và mang nó đi.
Tôi nhìn quanh, sợ ai đó phát hiện tôi đang ngập ngừng trước cửa phòng, với một chiếc xì – líp đỏ trước mặt.
Những nhà bên cạnh, đèn sáng phía trong còn hắt ra khe cửa, tôi nghe rõ tiếng nhạc phát ra từ ti vi. Tiếng thuyết minh của một kênh truyền hình, phát phim hoạt họa. Tiếng trẻ con cười ré lên sau mỗi tiếng nhạc.
Tôi gỡ chiếc xi líp khỏi tay nắm cửa, vo tròn vào trong tay, rồi thản nhiên đút vào túi quần, đi xuống nhà.
Lúc đi qua cửa thang máy, quen tay, tôi đã dừng lại, bấm số tầng lầu nhà tôi. Nhưng rồi tôi quyết định đi thang bộ. Lúc rảo nhanh ra cầu thang, tôi còn kịp thấy cửa thang máy đã mở ra, và nghe tiếng kính cong chào, rồi tiếng khép vội vàng của cửa tự động.
Buổi tối đã trùm dài lên hành lang chung cư, dẫn ra hành lang thang bộ. Tôi gần như cảm nhận rõ hơi thở của mình, và hình dung đôi mắt của chính mình sáng lên trong bóng tối. Cầu thang yên tĩnh đến nỗi tôi nghe rõ cả từng bước chân của tôi nện xuống từng bậc âm thầm, tạo thành những tiếng vọng khẽ khàng.
Ngoài ban công, thành phố rực rỡ đăng đèn. Những cao ốc xung quanh xếp dày như những hộp diêm, lấp lánh sáng trong từng ô cửa vuông vức. Những dãy phố lớn nhỏ đầy cây, đầy biển hiệu, đầy xe cộ qua lại. Con đường như trôi chảy bất biến dưới những vòm đèn cao áp. Những chiếc xe lầm lũi đi trong đêm, vọng những tiếng rì rầm lên khoảng không gian chỗ tôi ngồi...
Tôi lấy chiếc xì líp ra khỏi túi quần. Rồi lại đặt nó nhẹ nhàng lên ghế sô pha. Mỗi lần tôi đi qua, nó vẫn sáng lên rực rỡ như một dấu hỏi.
Sớm hôm sau, tôi lại mang nó ra ban công. Tôi nghĩ rất có thể có ai đó ngó xuống, nhìn thấy nó ở đó. Nếu là của họ, hẳn sẽ nghĩ ra một cách nào đó để lấy lại.
Tôi để nó ra chỗ sáng nhất, và dễ nhìn nhất.
Và nó vẫn ở đó khi buổi chiều, tôi về nhà…
Hôm sau, tôi quyết định đẩy nó ra xa ban công hơn.
Tôi lấy một cái que dài, khéo léo buộc cái xi líp lên đầu, rồi cắm nó vào chậu hoa cheo, hướng ra hẳn ngoài khoảng không, kiểu như người ta treo cờ khi có dịp lễ lạt nào đó. Thích thú như một đứa trẻ khám phá ra trò chơi của chính mình.
Tôi thoáng buồn cười khi thấy nó bay phất phơ. Giống chiếc cờ của một bù nhìn rơm người ta đặt ngoài ruộng lúa để đuổi chim mà tôi đã thấy ở quê nhà. Hẳn là làm như vậy, chủ nhân của nó sẽ dễ nhận ra nó hơn, khi một lúc nào đó tình cờ / cố tình ngó xuống.
Và nó vẫn ở đấy mỗi chiều tôi về.
Không một cơn gió nào khác đã đến mang nó đi.
Mỗi buổi tối, tôi cất nó vào nhà, để tránh sương, rồi sớm hôm sau lại mang cái “cờ” đó ra, cắm vào chỗ cũ.
Và tất cả dường như đã không chú ý đến một “vật thể lạ” trước ban công nhà tôi. Và hẳn nhiên ko ai quan tâm đến đời sống của tôi, trong căn hộ chung cư này… Cũng như tôi trước đây, đã chẳng bao giờ quan tâm đến những căn hộ khác, và cả những người láng giềng chung cư. Tôi chưa thấy họ, cũng như họ chưa từng thấy tôi…
Có bao nhiêu người đang sinh sống, di chuyển trong thành phố. Tôi mơ hồ nghĩ đến sự tồn tại, sự biến mất của một con người, rồi tưởng tượng ra sự vắng mặt của chính tôi, sự ra đi của những người xung quanh khỏi thế giới này.
Sự biến mất, với một người nào đó, đôi khi, nó cũng như một chiếc xi líp màu đỏ…
***
ôi bỏ chiếc xì lip vào trong túi nilon nhỏ rồi nhét vào cặp. Tôi định buổi sáng trước khi đi làm, sẽ mang xuống đưa cho người bảo vệ dưới cổng, nhờ trả lại cho chủ nhân của nó.
Chung cư thuê dịch vụ bảo vệ từ một công ty bên ngoài, những người bảo vệ thì dù thay đổi thường xuyên theo ca, nhưng nói chung khá lịch sự và ôn tồn. Ai cũng cười nhẹ khi tôi xuất hiện ở bậc thềm chung cư, mỗi sáng bước đi, mỗi chiều về nhà. Đôi tôi thấy họ giúp đỡ một vài người xách đồ, mở thang máy khi quên thẻ từ. Giao tiếp giữa tôi với họ chỉ là như thế.
Nhưng khác với mọi ngày, người bảo vệ hôm nay là một cô gái. Sự ngại ngần tiếp tục làm tôi do dự. Không lẽ tôi lại diễn giải sự việc về một chiếc xi líp với một cô gái. Và tôi nhận ra cho dù là với một anh chàng bảo vệ nào đó đi nữa, thì tôi cũng ko biết phải bắt đầu thế nào. Họ sẽ nghĩ gì khi tôi nói rằng đây là chiếc xì líp tôi đã giữ, và nhờ anh ta / cô ta dán thông báo lên bảng tin cho tất cả những người phụ nữ trong chung cư, hãy đến gặp tôi để nhận lại chiếc xi líp màu đỏ. Nghĩ đến đó, tôi tự dưng đỏ mặt. Ôi, điều ấy quả thật điên rồ!
Chiếc xì líp nằm đó, trên ghế sô – pha của tôi. Mỗi ngày, tôi vẫn như trò chuyện – những câu chuyện vô thanh – với nó. Đã một tuần trôi qua, tôi vẫn chưa biết phải làm gì …
Sài Gòn tháng 05/2011
9. Giấc mơ vượt đỉnh Mí Roòng
Truyện ngắn của Phạm Tử Văn
Sáng sớm, sương bạc phếch trên những ngọn cây. Mặt trời vẫn còn lặn ngụp sau đỉnh núi Mí Roòng nên chỉ một quầng sáng vồng lên trên đỉnh.
Ngày nào, Sim cũng dậy từ sớm, đeo ống bương(1) lên vai rồi đi ra suối lấy nước mang về dùng trong ngày. Chân chậm bước, vừa đi Sim vừa hít hà mùi hoa tò rí thoang thoảng quyện trong gió. Ống bương sau lưng cũng đùng đưa theo từng nhịp lên xuống.
Mười tám tuổi, Sim là cô gái đẹp nhất bản Ó. Đôi mắt long lanh tựa như mắt chim phí trên rừng, da trắng như hoa ban bên suối, giọng nói nhỏ nhẹ như tiếng nước róc rách ngoài khe. Không những thế, Sim lại rất khéo tay. Những chiếc váy với hoa văn lạ mắt, rực rỡ như hoa ban, hoa đào đều do tay Sim làm ra. Mỗi phiên chợ tình, Sim lại xúng xính váy xòe, nổi bật trong đám con gái.
Trai trong bản, đứa nào cũng muốn kết đôi với sim, đứa nào cũng muốn cầm tay Sim nhảy múa trong tiếng khèn dìu dặt. Nhưng Sim không chịu vì Sim không thích làm vợ trai bản mình. Sim muốn lấy con trai dưới xuôi. Sim muốn đi xa hơn, muốn biết nhiều hơn. Bản Ó bé quá, chỉ có cây cỏ là nhiều. Thành phố thì có đủ thứ: điện sáng lung linh, đường thênh thang rộng, lại có cả ô tô ù ù chạy giữa phố. Con trai bản chỉ biết cầm dao phát rẫy, cầm khèn đưa đẩy. Đứa nào cũng đen đúa và lấm láp không như con trai miền xuôi, đẹp như hiện thân của đấng Vàng Chứ(2).
Sim có ước muốn ấy từ khi trong nhà mình có cái ti vi. Ti vi nhỏ hơn ô cửa mà bao nhiêu người chui vào đó cũng lọt. Một đoàn người xuôi lố nhố trong đó mà không bị làm sao. Nhất là khi du lịch đưa người xuôi lên bản, Sim lại càng như mê mẩn khi thấy con trai thành phố. Đôi mắt đen nhay nháy của họ đẹp quá. Đêm đêm, đôi mắt ấy ám ảnh trong giấc mơ của Sim. Sim thấy tay mình nhẹ xoa lên khắp những mảng da trần trụi, trắng hồng bí ẩn. Toàn thân Sim như nóng ran, mê man và lịm dần đi trong tiếng ú ớ. Sáng tỉnh dậy, Sim ngồi ngẩn ngơ nghĩ rồi mặt đỏ phừng vì thẹn.
Mẹ sinh Sim được ba mùa rẫy thì bố ốm chết. Suốt bao năm, mẹ gắn bó với nương, với rẫy, oằn mình trong những gốc ngô, gốc sắn nuôi Sim khôn lớn. Mẹ chỉ muốn Sim lấy thằng A Lình gần nhà. Nhưng ước mơ của Sim lớn tựa như ngọn núi Mí Roòng, mà ước muốn và vòng tay của mẹ nhỏ quá không ôm trọn.
Bỗng phía trước có tiếng hát vọng lại. Từng tiếng buồn vợi len trong gió, lách qua làn sương. Sim dừng lại lắng nghe.
“Tao có ước mơ, tao có tình yêu, tao có cả ngọn núi Mí Roòng.
Tao yêu,
Ơ… tao yêu mày như con chim rừng yêu bầu trời gió lộng, như con suối yêu mạch nguồn. Như đất và cây yêu nhau tha thiết.
Ơ… tao yêu mày như thể tao yêu đôi chân, đôi tay, như tao yêu đôi mắt, con tim.
Sao mày cứ đi.
Đỉnh Mí Roòng cao chót vót, chẳng cản nổi chân mày…”.
Đúng tiếng thằng A Lình. Nó đang hát về tình yêu của nó với Sim. Sim đã quá quen với những câu hát ấy. Cái miệng hát lắm cũng chán, cái tai nghe lắm cũng nhàm. Sim không buồn, không nghĩ vẩn vơ. Nghĩ nhiều, cái mặt xấu lắm. Trai dưới xuôi lên, nhìn thấy không xinh lại bỏ về.
Sim đi lại gần chỗ A Lình đang ngồi tựa lưng vào gốc cây pơ-mu bên suối. Nó đang ngửa cổ nhìn lên trời. Viền mi nó long lanh nước. Sim nhẹ nhàng đến bên rồi đập mạnh tay lên vai A Lình. Giật mình, A Lình vội gạt hạt nước trên mi rồi quay lại.
- A Lình, mày khóc đấy à? Con trai mà khóc thì xấu lắm. Người ta thấy lại cười cho nhé.
- Tao không có khóc mà. Tại gió tạt hơi sương vào mắt đấy.
- Mày ngồi đây hát một mình, buồn thế, không khóc thì là gì chứ. Ơ, ống bương mày lại vất dưới đất thế kia, bố mày biết thì chết.
A Lình không nói, cúi mặt xuống đưa chân di di lớp lá ướt đẫm sương đêm dưới đất. Những ngón chân trầy trụa, lép nhép và đen sì.
A Lình hơn Sim hai tuổi. Gọi mày tao từ bé nên khi lớn vẫn gọi vậy cho thân. A Lình có mắt một mí, thân cao lớn, cơ bắp săn chắc cuồn cuộn. Đi nương, con gái trong bản thấy đều thẹn thùng, nhiều đứa còn hát đưa tình. Nhưng A Lình đều thờ ơ với họ. A Lình chỉ thích Sim thôi. Sim thì lại không muốn làm vợ A Lình. Tấm lưng A Lình không đủ lớn để cho ước mơ của Sim tựa vào. A Lình buồn nên chỉ biết gửi lòng vào những câu hát. A Lình biết, rồi một ngày Sim cũng bỏ bản Ó mà đi. Mấy năm gần đây, du lịch phát triển, người xuôi lên chơi nườm nượp. Những ánh mắt của nhiều đứa con trai nhìn Sim như xoắn tít, rõ ghét. A Lình chỉ muốn nhào lại, giáng cho nó một cú đấm. Nghĩ đến, tự nhiên A Lình lại ghét lây mấy cán bộ xã và bộ đội Thành - người đề xuất ý tưởng đưa du lịch về bản. Phải chi không có người xuôi, phải chi không có cái ti vi thì Sim chắc đã là vợ của A Lình. Những đứa con trai có thân chắc nịch như cha, những đứa con gái có khuôn mặt trắng hồng như mẹ đã ra đời. A Lình thổn thức nhưng nước mắt nhẹ bẫng, không đủ nặng để trào ra khóe mi. Nước mắt cũng không nhẹ như sương để mà đọng lại trên khóe mắt.
Tháng ba về, khắp núi rừng bừng trắng sắc hoa ban. Chợ tình đầu xuân lại mở. Từng đoàn người xuôi lại tấp nập kéo lên bản. Sim lại thức cả đêm để thêu cho xong cái váy. Những cuộn chỉ sặc sỡ đủ màu, mỏng tang như sợi tơ lăm lăm trong đôi tay khéo léo của Sim. Sim muốn mình thật nổi bật giữa đám đông. Biết đâu năm nay, Sim lọt vào đôi mắt của chàng trai nào đó dưới xuôi. Càng nghĩ, Sim càng thấy bồi hồi. Những thớ thịt lại ran ran, hai má bừng đỏ như căng ra.
Gần sáng, Sim cũng thêu xong. Bên ngoài, tiếng gà đã gáy lác đác. Gió lùa qua vách, Sim nghe râm ran hơi lạnh chạy dọc sống lưng.
Mặt trời vượt đỉnh Mí Roòng lên cao, Sim xốn xang xuống chợ.
Mùa ban năm trước, Sim đi với mẹ. Dọc đường đi, nhiều người xuôi trọ trẹ tiếng H’mông cất tiếng chào. Có người cầm những cái máy đen thùi lùi bấm tanh tách. Sim biết được đó là máy chụp ảnh. Ai cũng xì xồ chẳng nghe rõ tiếng. Nhưng hình như mọi người khen váy của Sim đẹp. Còn năm nay, mẹ chân đau nên Sim đi có một mình. Bước chân Sim như mang mang trên từng cánh ban rụng trắng đường. Bộ váy áo của Sim đủ màu, đẹp quá. Xanh, đỏ, vàng, đen rực rỡ trong rừng hoa ban trắng muốt. Dọc đường đi, ai nhìn cũng phải xuýt xoa. Đám con trai bản, lại láo liên con mắt nhìn. A Lình cũng đi theo nhưng ở phía sau cách Sim cả mấy con sào. Tay A Lình cầm cây khèn vàng cóng. Hội xuân năm nào, A Lình cũng mang khèn ra chợ để thổi. Không phải A Lình thổi tìm người yêu. Cả đời này, A Lình chỉ yêu có mỗi Sim thôi. Sim mà bỏ đi về xuôi lấy thằng người Kinh, chắc A Lình buồn mà chết mất. Tiếng khèn của A Lình nghe vui tai, người xuôi thấy lạ nên hỏi mượn rồi kề môi lên đó thử. Mỗi lần mượn, người ta lại trả cho A Lình những đồng bạc mới coóng. Có nhiều tiền, nhưng A Lình vẫn không vui. Như thể con ma rừng bắt mất hồn nên A Lình cứ thẫn thờ nhìn Sim nhảy múa.
Chợ tình tháng ba nô nức sắc màu. Trai gái bản Ó và các bản xung quanh cũng nườm nượp kéo đến. Tiếng hát, tiếng khèn, tiếng trống âm vang khắp núi đồi. Sim cũng đang tưng bừng múa hát. Năm nay, Sim như một đóa hoa rừng, đẹp mãnh liệt đầy sức sống. Trai bản thi nhau đòi cầm tay Sim. Sim cười giòn tan nhưng không nhận lời nhảy với riêng ai, nhảy chung với cả đám, vui hơn.
A Lình thì ngồi một chỗ. Buồn lòng nên A Lình chẳng muốn đưa khèn lên thổi, cũng không muốn nhếch cái môi hát như mọi khi. Năm nay, sao A Lình buồn quá. Trai bản đi ngang, vỗ vai giục A Lình cướp Sim về làm vợ. A Lình gượng gạo. Nụ cười héo hắt như lá sắn trên nương lâu ngày không có nước tưới.
Sim đã từng nói thẳng với A Lình: “Tao không muốn làm vợ mày đâu. Mày không đẹp như con trai dưới xuôi. Mày cũng không cho tao về xuôi sống được. Mày đừng bắt tao về làm vợ mày nhé. Bản Ó bé, vòng tay của mày cũng bé. Tao muốn vượt ngọn Mí Roòng về xuôi cơ”. Những lời ấy của Sim như xô nước lạnh tạt lên mặt A Lình. Buốt còn hơn cả dòng nước dưới suối trong tiết trời đông. Sim đã muốn như vậy, A Lình sao có thể ép Sim làm vợ được. Yêu Sim lắm nhưng không muốn thấy Sim khóc. A Lình sợ Sim đau mà héo rũ, tàn tạ như cánh ban rụng ngoài đường. Nghĩ đến A Lình lại muốn khóc. Con ma hình như lại chui vào rí rách trong bụng rồi, đau lắm.
Sim vừa nhảy vừa đánh mắt ra xung quanh để tìm kiếm. Những ánh mắt của con trai dưới xuôi vẫn đang dồn về phía Sim. Cái nhìn nửa như ngẩn ngơ, hoang dại nửa như rạo rực, cồn cào muốn thiêu cháy tất cả.
Sim để ý đến một khách miền xuôi con trai đang nheo nheo mắt cầm máy ảnh lia đi mọi hướng bấm tanh tách. Mọi người đã quá quen với những cái máy ấy như quen với hạt ngô, hạt thóc trong bồ. Sim tách khỏi vòng vây của trai bản đi ra một chỗ len lén nhìn. Thằng người xuôi có nước da trắng, mặt chữ điền, hai hàng râu quai nón được tỉa tót gọn gàng, mắt đen láy, sống mũi cao và đôi môi mọng đỏ như con gái. Nhìn cái dáng cường tráng nó trong điệu bộ khum khum chụp ảnh càng làm Sim thêm mê mẩn. Mải suy nghĩ cách tiếp cận, Sim không hay biết người đó đang hướng ống kính về phía mình.
Tách !
Sim giật mình nhìn lại. Thằng người xuôi cười híp mí chỉ tay vào cái máy ảnh đang cầm trên tay. Thoáng chút bối rối, Sim sượng sùng cười lại. Phút chốc, mặt Sim ran đỏ. Đỏ như màu váy đang đùng đưa những nếp gấp bên dưới. Chết rồi, Sim đã phải lòng nó, ngại quá đi thôi. Thằng khách rút tờ tiền năm mươi ngàn đưa cho Sim, Sim lắc đầu không nhận. Ngại lắm, Sim đang muốn làm quen nó, sao mà nhận được. Thằng khách gãi tai bối rối xin chụp Sim thêm mấy kiểu nữa. Thích quá đi chứ, Sim gật đầu đồng ý luôn. Mặt Sim vẫn chưa hết ran ran. Con tim hôm nay làm sao không biết, cứ đập thình thịch. Thằng khách còn nắm tay Sim múa hát. Giọng hát Sim cao ngất vòm trời.
A Lình nhức nhối đứng nhìn. Đám trai bản đang uống rượu hăng say, A Lình nhập hội.
A Lình muốn say, muốn hát và A Lình muốn quên đi tất cả. “Sim ơi, con trai miền xuôi có gì đặc biệt đâu chứ. Không lẽ con gái bản xinh đẹp, lớn lên cứ về xuôi làm vợ hết? Bản này, con trai đến tuổi, bắt vợ ở đâu? Mày là hoa rừng, mày bỏ rừng, bỏ bản mà đi sao Sim?”. Giọng A Lình như thống thiết.
Khuya, các đôi kéo nhau tản mát vào rừng, về nhà hay ra bìa suối. Còn Sim, mày đi đâu?
A Lình chạy bủa đi tìm. Cỏ cứa vào chân, máu tóe ra nhưng vẫn không thấy bóng Sim nơi nào.
Hôm sau Sim dẫn thằng khách mới quen hôm qua ở chợ tình về nhà chơi. A Lình nhìn thấy, buồn thắt, không cất được tiếng chào như mọi khi. Cả đêm, A Lình đứng ở đầu ngõ nhà Sim để đợi Sim về. Cả đêm phập phồng, cả đêm lo sợ giờ A Lình bải hoải như một con thú bị trọng thương, rệu rã, bơ phờ. Sim đi ngang qua, buông một câu nói nhẹ bẫng:
- Ơ A Lình, mày cũng mới về à? Chắc mệt rồi, mày về nghỉ đi.
Nói rồi Sim đưa thằng khách lên cầu thang. A Lình nhìn theo, ánh mắt điên dại. Sim có người mới, quên A Lình thật rồi.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian